Hiện nay thị trường chuỗi cung ứng logistics lạnh tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình nên được đánh giá vẫn còn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thị trường này đang có dấu hiệu khởi sắc hơn khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng gia tăng.
Thị trường lớn nhưng ít doanh nghiệp tham gia.
Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, tại Việt Nam hiện nay khâu bảo quản lạnh chỉ được chú trọng đối với mặt hàng thủy hải sản do chủ yếu được xuất khẩu, còn các mặt hàng nông sản khác thì mức độ áp dụng rất thấp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu sử dụng thực phẩm có chất lượng của người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Kéo theo đó là những doanh nghiệp cung ứng thực phẩm bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh; họ bắt đầu có những đòi hỏi chặt chẽ hơn trong chất lượng dịch vụ logistics lạnh, ưu tiên ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động – giám sát tuân thủ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.
Mặc dù nhu cầu của thị trường được đánh giá đang khởi sắc song theo nhiều doanh nghiệp phân phối lớn, thị trường chuỗi cung ứng logistics lạnh tại Việt Nam chưa được tập trung, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa – nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm. Hiện tượng “đứt đoạn” trong cung ứng lạnh tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm, đặc biệt là trên kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam như chợ, cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán ăn – nhà hàng, hệ thống phân phối.
Trong chuỗi logistics cung ứng lạnh hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển hệ thống kho lạnh quy mô lớn như FM Logistics, CLK Cold Storage, Emergent Cold… Hầu hết các doanh nghiệp trong nước nắm giữ thị trường vận chuyển hàng lạnh bao gồm ABA Cooltrans, Tân Bảo An…
Sẽ phát triển hơn trong tương lai
Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital – đơn vị đang đầu tư vào một doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng lạnh – cho hay, tại các nhà hàng và siêu thị bán lẻ, độ tươi ngon của thực phẩm là yếu tố quan trọng, quyết định sự trở lại của khách hàng. Điều này thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong thời gian tới và đó cũng là lý do chúng tôi đã quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp cung ứng lạnh của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc Công ty ABA Cooltrans – cho biết, tốc độ phát triển và đô thị hóa, cũng như các hệ thống phân phối hiện đại sẽ là tiền đề cho phát triển các chuỗi giá trị, trong đó có đầu tư cung ứng lạnh trong chuỗi giá trị. Xuất phát từ nhu cầu đó, chúng tôi đã đầu tư mạnh cho chuỗi cung ứng logistics lạnh song trong quá trình hoạt động ABA đã gặp khó khăn nhất định khi thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi chi phí đầu tư xe lạnh thường cao gấp 3 lần so với xe tải thông thường. Bằng sự nỗ lực của mình, đến thời điểm này ABA đang là nhà cung cấp dịch vụ – giải pháp chuỗi cung ứng lạnh hàng đầu cho nhiều khách hàng trên toàn quốc.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, thị trường logistics lạnh đang trong giai đoạn phát triển, có tiềm năng rất lớn và dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Để có thể cạnh tranh, tạo được niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp sẽ cần nhiều đột phá hơn về chất lượng, nhiệt độ hàng hóa phải được đảm bảo và duy trì chuỗi lạnh không bị “gãy” trong suốt quá trình vận hành.
“ABA đã đầu tư bài bản từ đội xe tải lạnh lớn nhất hiện nay cho tới hệ thống kho lạnh để đủ cung ứng dịch vụ logistics tích hợp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý chuỗi lạnh và dự báo thời gian giao hàng chính xác. Qua đó đảm bảo tính minh bạch trong quản lý, cung ứng thông tin kịp thời cho khách hàng, cho phép khách hàng có thể truy vết thời gian thực”, ông Thi chia sẻ.