Phân biệt House Bill và Master Bill thế nào? Vận đơn MBL là gì? HBL là gì?
Đây là những câu hỏi thường gặp khi người làm xuất nhập khẩu làm việc liên quan đến Vận đơn đường biển.
Việc phân biệt House Bill và Master Bill với hàng đi đường biển (với hàng Air thì sẽ là phân biệt MAWB và HAWB) sẽ giúp người mới vào nghề xuất nhập khẩu hoặc thủ tục hải quan đỡ bối rối. GULF SHIPPING sẽ giải đáp cho bạn nhé
Master Bill là gì?
Master Bill of Lading là Vận đơn đường biển cho hãng tàu phát hành, dịch là Vận đơn chủ, và thường được viết tắt là MBL hay MB/L. Bạn sẽ thấy tên và logo của hãng tàu trên đầu trang vận đơn. Nếu làm quen thì sẽ nhận biết tên hãng tàu khá dễ dàng, chẳng hạn như MCC, SITC, Yang Ming, OOCL… Bạn có thể tìm hiểu tên một số hãng lớn trong danh sách hãng tàu tại Việt Nam.
Mỗi lô hàng chỉ phát hành 1 MBL, gồm nhiều liên (cùng nội dung).
Vận đơn MBL
Master Bill of Lading
Trên Master Bill, người gửi hàng là Công ty giao nhận vận tải ở nước xuất khẩu (không phải là công ty xuất khẩu), còn người nhận hàng là Công ty giao nhận vận tải ở nước nhập khẩu. Thường 2 công ty giao nhận ở 2 nước có mối quan hệ đại lý, hoặc công ty mẹ con.
Các bên đứng tên trên vận đơn:
Forwarder nước XK => Hãng tàu => Forwarder nước NK
Tất nhiên, vẫn có trường hợp chủ hàng đứng tên trên MBL, tôi sẽ đề cập trong phần cuối bài.
➤Xem thêm: D/O là gì? Phí D/O trong xuất nhập khẩu
House Bill là gì?
House Bill of Lading là vận đơn đường biển do công ty giao nhận vận tải (freight forwarder) phát hành, dịch là Vận đơn nhà, thường được viết tắt là HBL, HB/L, hay House Bill.
Ở nước ngoài, HBL còn có thể do 1 loại công ty vận chuyển có tên là chủ tàu không tàu – NVOCC (Non Vessel Ocean Common Carrier) phát hành. Nhưng ở Việt Nam chưa thấy loại hình này. Thế nên HB/L được hiểu là của Forwarder cấp.
Sau khi chủ hàng đóng hàng và giao cho công ty giao nhận, làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, và nộp một số phí liên quan, công ty giao nhận sẽ phát hành HBL cho khách hàng.
Về mặt nội dung cũng gồm những chi tiết quan trọng, giống như Vận đơn đường biển nói chung.
Trên HB/L, người gửi hàng thường là người xuất khẩu, và người nhận hàng thường là người nhập khẩu. Trong trường hợp cần thiết, thì có thể thay bằng người được ủy quyền của những bên đó. Theo đó, lô hàng sẽ giao như sau:
Nhà xuất khẩu => Công ty giao nhận => Nhà nhập khẩu
Quy trình phối hợp chứng từ giữa MBL & HBL thế nào?
Đầu tiên, chủ hàng thuê công ty giao nhận vận chuyển đóng hàng xuất khẩu. Công ty giao nhận này thuê lại hãng tàu vận chuyển lô hàng đó.
Như vậy, sau khi hàng lên tàu, hãng tàu sẽ cấp cho forwarder MBL. Dựa vào đó, Forwarder sẽ cấp HBL cho chủ hàng.
Có thể nói HBL là vận đơn “đối ứng” của MBL, nối trách nhiệm vận chuyển giữa hãng tàu đến forwarder.
Tại cảng dỡ, forwarder sẽ nộp phí và làm thủ tục lấy Lệnh giao hàng (D/O – Delivery Order) từ hãng tàu. Sau đó, người nhập khẩu sẽ nộp phí làm thủ tục lấy D/O từ forwarder kia.
➤Xem thêm: Chứng từ hàng hoá và Chứng từ vận tải trong Bộ chứng từ xuất nhập khẩu đường biển
Phân biệt House Bill và Master Bill
Như vậy có thể phân biệt HBL và MBL khác nhau ở những điểm chính như sau:
HBL do công ty forwarding cấp cho công ty xuất nhập khẩu, còn MBL thì do hãng tàu cấp cho công ty forwarding
HBL dễ sửa hơn MBL, vì forwarder thường là công ty nhỏ, làm dịch vụ, nên chăm sóc khách hàng tận tình hơn. Trong khi đó, hãng tàu quy trình chặt chẽ, nhưng cồng kềnh nên việc sửa Bill thường khó và tốn kém.
Về mặt rủi ro, thì hãng tàu thường có quy mô và uy tín tốt hơn forwarder, nên chứng từ MBL mà họ phát hành ra ít nhiều cũng có độ “đảm bảo” cao hơn.
Một vài lưu ý liên quan
Không phải lô hàng nào cũng có cả 2 loại vận đơn này, nghĩa là không phải lúc nào cũng cần phân biệt House Bill và Master Bill. Có nhiều trường hợp, chủ hàng làm việc thẳng với hãng tàu không qua forwarder, hoặc có nhờ forwarder book chỗ nhưng chủ hàng vẫn yêu cầu được đứng tên trên Bill. Khi đó, hãng tàu vẫn cấp vận đơn MBL trực tiếp cho chủ hàng, và cũng có nghĩa là không xuất hiện HBL.
Có trường hợp với 1 lô hàng, có 1 MBL nhưng nhiều HBL. Ví dụ điển hình là hàng ghép container (LCL), khi có hãng tàu vận chuyển nguyên container, 1 forwarder gom hàng lẻ (consolidator) HBL cho mỗi lô hàng, và 1 forwarder khác nhận 1 hàng và chỉ cấp 1 HBL cho lô hàng mà mình nhận vận chuyển. Trong trường hợp này, sẽ xuất hiện nhiều B/L (thường gọi là Bill nối), và nhiều D/O (hay được gọi là lệnh nối).
Một số trường hợp khác, forwarder có nhiều lô hàng của những chủ hàng khác nhau nhưng đi cùng chuyến tàu. Do đó, forwarder cấp nhiều HBL, nhưng chỉ làm 1 MBL với hãng tàu (để tiết kiệm chi phí, thời gian).
Tóm lại, khác biệt cơ bản nhất giữa HBL và MBL là ở bên nào phát hành. HBL do forwarder còn MBL là của hãng tàu.
Đến đây tôi kết thúc bài viết về sự khác nhau giữa 2 loại vận đơn phổ biến HBL và MBL. Nếu công ty và doanh nghiệp bạn cần book tàu để đi nước ngoài hãy liên hệ ngay với chúng tôi – GULF SHIPPING đơn vị vận tải tàu biển uy tín nhanh chóng tại TP.HCM
Địa chỉ: Tầng 6, 88-90 Lương Định Của, Phường Bình Khánh, Quận 2, TP.HCM
Điện thoại: +84 932 094 229
Email: info@gulfshipping.com.vn
Website: gulfshipping.com.vn